Mặc dù một chế độ ăn uống cân bằng sẽ cung cấp đủ lượng vitamin E, giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong một số tình trạng sức khỏe nhất định, có thể cần bổ sung vitamin E. Vậy thời điểm nào uống vitamin E là tốt nhất?
Vitamin E rất cần thiết cho hệ thống miễn dịch, giúp các tế bào chống lại nhiễm trùng và bảo vệ cơ thể bạn khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do gây ra. Các gốc tự do được hình thành do các chức năng trao đổi chất, chẳng hạn như chuyển đổi thức ăn thành năng lượng hoặc do tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch, vitamin E còn có lợi cho nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm mắt, hệ sinh sản, máu, da và não.
1. Điều gì xảy ra khi cơ thể không đủ vitamin E?
Nếu không có đủ vitamin E, theo thời gian, bạn có thể có triệu chứng mất kiểm soát hoặc phối hợp một số chuyển động của cơ thể (gọi là mất điều hòa). Tổn thương thần kinh này có thể gây đau và yếu ở tay, chân (gọi là bệnh thần kinh ngoại biên), cũng như các vấn đề về thị lực (bệnh võng mạc).
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, để xác định nguyên nhân, nếu thiếu vitamin E có thể bổ sung.
2. Thời điểm nào tốt nhất để uống vitamin E?
Hãy bổ sung vitamin E theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị tình trạng bệnh lý cá nhân. Không dùng nhiều hoặc ít vitamin E hơn mức khuyến nghị hoặc trong thời gian dài hơn. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng vitamin E, nếu bạn có bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc dị ứng nào hoặc nếu bạn đang dùng thuốc.
Vitamin E tan trong chất béo nên cần chất béo để hấp thụ tốt nhất và ít gây kích ứng dạ dày nhất (uống vitamin E khi bụng đói có thể gây buồn nôn, ợ chua hoặc các khó chịu khác ở dạ dày). Do đó, thuốc bổ sung vitamin E có tác dụng tốt nhất khi dùng cùng với thức ăn, đặc biệt là với bữa ăn có chứa chất béo.
Theo đó, nếu bạn có xu hướng ăn sáng nhẹ, thời điểm tốt nhất để bổ sung vitamin E có thể là vào bữa ăn nặng hơn (bữa trưa hoặc tối), để thuốc hấp thụ tối ưu nhất và ngăn ngừa triệu chứng khó tiêu.
Nên dùng chất bổ sung vitamin E vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thói quen này còn giúp bạn nhớ uống thuốc dễ dàng hơn. Nếu quên, không dùng thêm vitamin E để bù liều đã quên.
3. Tác dụng phụ của vitamin E
Một số người nhạy cảm với việc bổ sung vitamin E, ngay cả khi dùng với liều lượng thích hợp, có thể gây ra tác dụng phụ.
Sử dụng lâu dài với số lượng lớn vitamin E có thể gây chảy máu quá nhiều và nhiều rủi ro hơn là lợi ích. Ngừng dùng vitamin E và tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu gặp các triệu chứng:
- Mờ mắt
- Tiêu chảy
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đau bụng hoặc buồn nôn
- Mệt mỏi hoặc suy nhược cực độ
- Phát ban nhẹ…
Đối với người mắc bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường, không nên dùng quá 400 UI vitamin E mỗi ngày. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, liều cao hơn này có thể làm tăng nguy cơ suy tim và nhập viện liên quan đến tim.
4. Phòng ngừa tương tác bất lợi khi dùng vitamin E
– Tránh dùng các loại vitamin, chất bổ sung khoáng chất hoặc các sản phẩm dinh dưỡng khác có bổ sung vitamin E.
– Một số loại thuốc kê đơn tương tác với vitamin E, bao gồm thuốc điều trị ung thư, một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu và statin… Theo Drugs, có tới 250 loại thuốc được biết là có tương tác với vitamin E. Do đó, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh sự tương tác bất lợi này.
– Nếu bạn đang dùng niacin và kết hợp với vitamin E, vitamin C, beta-carotene và selen, một số tác dụng có lợi của niacin có thể bị giảm.
– Uống bổ sung vitamin E cùng với vitamin K có thể làm giảm tác dụng của vitamin K.
Theo suckhoedoisong.vn