Đỗ trọng nổi tiếng với tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, an thai… Nhưng chưa có nhiều người biết về tác dụng giảm mỡ máu, giảm béo của vị thuốc này.
Tác dụng của đỗ trọng
Theo Đông y, đỗ trọng có vị ngọt, hơi cay, tính ấm, không độc đi vào kinh can, thận. Đỗ trọng có các tác dụng bổ can thận, cường cân cốt, an thai, thường được dùng trong các trường hợp đau lưng mỏi gối, chân yếu, tiểu tiện rắt, ngứa ẩm vùng kín, động thai, dọa sảy thai, thai động không yên, tăng huyết áp…
Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại đỗ trọng có các tác dụng như hạ huyết áp, ức chế sự tiến triển của viêm xương khớp, phòng, điều trị các bệnh lý về thoái hóa thần kinh…
Tác dụng giảm mỡ máu của đỗ trọng
Trong Đông y, thừa cân, béo phì được gọi với tên gọi chứng phì bàn, chứng này ngoài nguyên nhân do cơ thể có dư chất (thực chứng) còn có nguyên nhân do hư.
Béo mập hư chứng là do cơ thể bị suy yếu, khả năng trao đổi chất kém, các chất cặn bã không được đào thải kịp thời, dẫn đến tích tụ trong cơ thể và dần dần hình thành béo phì.
Loại thừa cân, béo phì do cơ thể hư nhược thường liên quan đến khí hư và dương hư. Khi nguyên khí suy yếu, cơ thể không thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, dẫn đến dễ bị ốm.
Thông thường, những người này thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, hơi thở ngắn, ít nói, dễ ra mồ hôi, tức ngực và tiêu hóa kém.
Để cải thiện tình trạng thừa cân, béo phì do hư, có thể điều chỉnh qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, cũng có thể sử dụng thêm các loại trà thuốc hỗ trợ giảm cân.
Tuy nhiên, người bị béo phì do hư không được tùy tiện uống các loại trà giảm cân như trà ức chế cảm giác thèm ăn, trà có tác dụng tiêu mỡ quá mạnh, vì cơ thể vốn đã suy yếu, việc ức chế cảm giác thèm ăn hay tiêu mỡ có thể gây ra những phản ứng tiêu cực.
Đối với những người này đỗ trọng là một vị thuốc rất phù hợp để cải thiện tình trạng thừa cân, béo phì.
Đỗ trọng có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt. Trà đỗ trọng không chứa caffeine, không có chất theanine, nhưng chứa nhiều protein, axit amin, dễ hấp thụ, có công dụng điều hòa mỡ máu, hạ huyết áp, bổ thận dưỡng can, thông tiện lợi tiểu, tăng cường hệ miễn dịch.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, dùng đỗ trọng liên tục trong một tháng có thể làm giảm đáng kể lượng mỡ trung tính dưới da và xung quanh nội tạng, tăng cường tổng hợp protein khác, tăng cường tiêu hao năng lượng trong cơ thể, từ đó giảm mỡ tích tụ, trung bình có thể giảm từ 1,5 đến 2,0 kg.
Cách pha trà đỗ trọng
Phương pháp 1:
Nguyên liệu: Đỗ trọng.
Cách làm: Rửa sạch đỗ trọng, cho 5 – 15g vào cốc trà, sau đó đổ 500ml nước với nhiệt độ khoảng 85°C vào. Đậy nắp lại, sau 5 phút là có thể dùng.
Công dụng: Trà này khi vào cơ thể sẽ giúp phục hồi độ đàn hồi của mạch máu, từ đó điều hòa huyết áp, đồng thời có tác dụng hạ mỡ máu, tốt đối với sức khỏe tim mạch.
Khuyến nghị dùng khoảng 1000 – 1500 ml mỗi ngày, sau khoảng nửa tháng sẽ thấy kết quả rõ rệt.
Phương pháp 2:
Nguyên liệu: Đỗ trọng, tam thất, sơn tra, nước sôi.
Cách làm: Rửa sạch tất cả các dược liệu, cho vào cốc trà, đổ nước sôi vào, đậy nắp và sau 5 phút là có thể uống.
Công dụng: Khuyến nghị uống mỗi sáng, trưa và tối, dùng như trà hàng ngày. Trà này giúp hạ huyết áp, giảm mỡ máu, và có tác dụng tốt cho gân cốt, gan và thận.
Uống một tách trà đỗ trọng mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp, điều hòa mỡ máu, đồng thời giúp tinh thần thoải mái, dưỡng thần và kéo dài tuổi thọ. Những người mắc bệnh tăng huyết áp hoặc tim mạch nên dùng thường xuyên, người cao tuổi cũng có thể uống khoa học và điều độ.