Quả mận là loại trái cây nhiều người yêu thích đang bắt đầu vào mùa. Bên cạnh giá trị như một dược liệu chữa bệnh, người sử dụng quả mận cần lưu tâm một số vấn đề để tránh tổn hại đến sức khỏe.
1. Lợi ích sức khỏe từ quả mận
– Quả mận giúp giảm mỡ máu, tốt cho tim mạch: Kali chứa trong quả mận giúp kiểm soát huyết áp, ổn định nhịp tim và bảo vệ hệ tim mạch. Bên cạnh đó, mận chứa rất ít chất béo và nhiều chất xơ còn có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như thiếu máu, nhồi máu cơ tim.
– Tốt cho người béo phì, đái tháo đường: Mận có rất ít calo, bù lại thì chứa nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ chất béo và chất đường từ thực phẩm, tăng tiết insulin. Ngoài ra nhờ quá trình này mà lượng đường huyết trong cơ thể luôn được duy trì ở mức ổn định, vì vậy mận rất thích hợp cho người bị thừa cân, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường.
– Ngừa táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa: Chất xơ không hòa tan của quả mận có tác dụng ngăn cản dịch vị và vi khuẩn có hại tác động xấu đến niêm mạc dạ dày. Ngoài ra còn giúp chúng ta có cảm giác no lâu, giảm sự thèm ăn, kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, nhuận tràng.
– Có lợi cho thị lực: Các vitamin và khoáng chất như vitamin A, B, C, beta carotene… đều rất tốt cho thị lực và giúp phòng tránh các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, cận thị, thoái hóa điểm vàng.
– Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch: Một quả mận có thể cung cấp cho chúng ta 7% lượng vitamin C, 8% lượng vitamin A với công dụng nâng cao sức đề kháng, chống oxy hóa, tăng liên kết các mô và tạo collagen. Nhờ đó giúp làn da luôn căng mịn và giảm nếp nhăn.
– Phòng bệnh ung thư: Sắc tố anthocyanin có trong quả mận giúp loại bỏ các gốc tự do, chống oxy hóa, nhờ đó hỗ trợ phòng ngừa một số bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú…
2. Bài thuốc từ quả mận
Theo y học cổ truyền, quả mận có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, giảm ho, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu, tiêu thũng. Ăn nhiều mận chua dễ sinh nóng ruột, cồn cào, hại răng nhưng nhấm nháp chút ít trước mỗi bữa ăn sẽ thấy ngon miệng và dễ tiêu hoá.
– Giải khát, giải nóng, thanh nhiệt: Dùng dịch ép quả mận pha với nước đường hoặc trộn với nước quả nho là thứ giải khát có tác dụng làm mát, thanh nhiệt, giải nóng, nhuận tràng. Dùng dịch ép này bôi lên mặt hằng ngày làm mịn da.
– Chữa ho, viêm họng, háo khát: Có thể sử dụng quả mận vừa chín tới rửa sạch để ráo nước ngâm với muối (cứ một lớp mận, hai lớp muối), thêm ít nước đun sôi để nguội rồi nén hơi nặng. Sau vài ngày đến một tuần đảo đều và dùng dần.
– Chữa xơ gan: Ngoài ra, các thầy thuốc còn dùng mận để chữa xơ gan bằng cách chế biến như sau: Mận tươi 100 – 150g, chè xanh một ít và mật ong vừa đủ. Sau đó bỏ hạt mận đi, đổ 0,3 lít nước đun sôi 3 phút, cho chè xanh và mật ong vào là được. Sau đó uống mỗi ngày 1 thang.
– Chữa đái tháo đường: Quả mận tươi bỏ hạt ép nước uống ngày vài lần, mỗi lần 2-3 thìa.
– Giảm đau, chữa táo bón, phù thũng: Nhân hạt mận (lấy từ quả chín phơi khô) có tác dụng giảm đau, lợi tiểu, chữa táo bón, phù thũng, vết thương bầm tím do ứ máu. Liều dùng hằng ngày: 12g dưới dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng nhân hạt mận.
Nước ép quả mận, bỏ hạt có tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường.
3. Lưu ý gì khi dùng quả mận?
Quả mận là một loại trái cây chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, có thể dùng khô hoặc dùng tươi tùy theo mục đích sử dụng, ví dụ như ăn tươi, sấy dẻo, làm mứt, nước giải khát, sốt…
Tuy nhiên ăn quá nhiều quả mận cũng không tốt, nhất là với những người dễ bị nóng trong hoặc có cơ địa đặc biệt. Nếu tiêu thụ loại quả này quá nhiều có thể ảnh hưởng tới men răng, dạ dày, dễ nổi mụn nhọt vì nóng trong người.
Bên cạnh đó, trong mận chứa nhiều oxalat – một loại chất làm giảm khả năng hấp thụ canxi và làm lắng đọng canxi ở thận. Đây được coi là nguyên nhân tạo thành sỏi thận, sỏi tiết niệu nên nếu bạn đã hoặc đang bị sỏi thận thì nên hạn chế ăn mận. Do đó, chỉ nên tiêu thụ mận ở mức độ vừa phải để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Theo suckhoedoisong.vn