Người ta thường nói rằng, nơi nào có sự khắc nghiệt, nơi đó sẽ được bù đắp bởi một thứ gì đó xứng đáng. Quả đúng là như vậy, tinh dầu tràm chính là quà tặng mà thiên nhiên đã ban tặng cho người miền Trung, nơi có cuộc sống đầy thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt.
Tinh dầu tràm là gì?
Tinh dầu tràm là tên gọi chung các loại tinh dầu được chiết xuất từ lá tràm, gồm hàng chục hợp chất khác nhau, trong đó có hai nhóm chính là nhóm 1,8-cineole được chiết xuất từ lá Tràm cajuput, nên gọi là tinh dầu tràm cajuput (cajuput oil), và nhóm giàu terpinen-4-ol được chiết xuất từ lá Tràm trà (tea tree) nên gọi là tinh dầu tràm trà (tea tree oil).
Tinh dầu tràm trên thế giới và tại Việt Nam
Trên thế giới, tinh dầu Tràm được khai thác từ thế kỷ 18 ở quần đảo Maluku ở Indonesia, và lần đầu tiên được nhập vào nước Đức. Nhờ tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mà không gây hại cho da nên tinh dầu tràm được ứng dụng nhiều trong dược phẩm, mỹ phẩm nhằm sản xuất các sản phẩm mang tính trị liệu và chăm sóc cá nhân như nước súc miệng, mỹ phẩm bôi da, nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm, kem đánh răng…Trong y học cổ truyền Việt Nam, tinh dầu tràm được ông cha ta sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc Y học Cổ truyền để xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp, thần kinh, chữa ho, hen suyễn, cảm lạnh, cũng như đau bụng, co thắt dạ dày, làm thuốc bôi chống viêm.
Tinh dầu tràm cũng được làm chất khử trùng để điều trị vết thương, điều trị các triệu chứng viêm da dị ứng, viêm phổi và viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm nướu răng, viêm miệng, viêm Amidan, cũng như chống muỗi và bôi lành vết thương do muỗi đốt.
Khi đất nước chiến tranh, mọi thứ thiếu thốn, nhất là thuốc men, nhân dân ta thường nấu dầu tràm để gửi ra chiến trường phục vụ cho quân đội.
Tinh dầu tràm “Chiếc áo giáp” bảo vệ sức khỏe mẹ và bé
Đối với trẻ sơ sinh, tinh dầu tràm được ví như “chiếc áo giáp bảo vệ” các con khỏi những tác nhân gây bệnh như môi trường, virus, vi khuẩn,… Tinh dầu tràm giúp hỗ trợ giữ ấm, trị ho, nghẹt mũi, xua đuổi côn trùng. Cũng chính vì thế mà tinh dầu tràm được các mẹ lựa chọn để chăm sóc sức khỏe chủ động cho các con ngay từ khi mới sinh.
Đặc biệt, việc mát-xa bằng tinh dầu tràm như một sợi dây vô hình gắn kết bố mẹ và con. Mát-xa đều đặn cho con mỗi ngày không chỉ mang lại lợi ích quý giá cho sự phát triển của con, mà nó còn là cách để bố mẹ trao yêu thương ấm áp, để con cảm nhận được tình yêu, sự an toàn, sự trân trọng mà bố mẹ dành cho mình.
Không phải ngẫu nhiên mà chị em luôn được các bà, các mẹ trao cho những kinh nghiệm, những dặn dò về việc chăm sóc sức khỏe, mà đó còn là những yêu thương, sự quan tâm từ thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi khi chúng ta làm mẹ, làm bà ta lại truyền lại những điều đó cho con cháu chúng ta.
Đối với phụ nữ mang thai và sau sinh, tinh dầu tràm có tác dụng giúp các mẹ thư giãn tinh thần; mát-xa giúp giữ ấm cơ thể, giảm đau nhức, lưu thông khí huyết, tăng sự trao đổi chất. Với phụ nữ mang thai, việc chủ động chăm sóc sức khỏe từ tự nhiên rất quan trọng, là bước đệm để mỗi đứa trẻ chào đời đều khỏe mạnh và hạnh phúc. Ngay khi còn trong bụng mẹ, em bé cũng đã cảm nhận được yêu thương, sự chăm sóc bằng những bài mát-xa mà mẹ dành tặng cho mình.
Mát-xa bằng tinh dầu cho mẹ bầu giúp thư giãn, giảm mệt mỏi, căng thẳng, giúp tăng lưu thông khí huyết, giảm phù chân, mất ngủ, nhức đầu.
Ngày nay, khi khoa học đã phát triển, tinh dầu tràm ngày càng được ứng dụng nhiều trong việc chăm sóc cá nhân để nâng cao chất lượng đời sống của con người. Các sản phẩm được tinh chế từ tinh dầu tràm rất đa dạng với nhiều công dụng như: trị mụn, mờ thâm sẹo, điều trị chàm, trị gàu, điều trị cháy nắng, chữa mùi hôi, làm sạch không khí,…
Tiêu chí đánh giá tinh dầu tràm chất lượng
Giữa hàng ngàn sản phẩm thật giả lẫn lộn trên thị trường hiện nay, bạn sẽ dễ dàng mua tinh dầu kém chất lượng nếu như không có kinh nghiệm và kiến thức. Để tránh rơi vào trường hợp trên, hãy lựa chọn tinh dầu tràm dựa vào 3 tiêu chí sau đây:
Thứ nhất là giống cây trồng. Ngay từ bước đầu tiên chọn giống, từng mầm non tràm phải được chọn lọc phù hợp, tốt cho bản địa, có hàm lượng tinh dầu đảm bảo được tính trị liệu cao.
Thứ hai là nhân lực. Những người thu hái, người sản xuất tinh dầu tràm phải có trình độ chuyên môn, được trang bị kiến thức đầy đủ về chăm sóc, quy trình thu hái, sản xuất để đảm bảo giữ được hàm lượng của tinh dầu.
Thứ ba là môi trường. Các yếu tố đất, nước, không khí, ánh sáng,… của vùng nguyên liệu phải đảm bảo được tính tự nhiên, không bị phơi nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất.
Nguồn: suckhoedoisong.vn