Thiểu năng tuần hoàn não được xem là bệnh lý “tiền” đột quỵ với nhiều biểu hiện khác nhau nhưng có cùng một yếu tố sinh bệnh là thiếu máu nuôi não.
1. Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu nuôi não
Theo y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não, trong đó hai nguyên nhân chủ yếu là xơ vữa thành mạch máu và thoái hóa đốt sống cổ khiến dòng máu lưu thông kém hiệu quả và không được bơm đầy đủ lên não bộ…
Việc tim bơm máu lên não đủ hay thiếu phụ thuộc vào 2 yếu tố: Áp lực bơm máu và mức độ thông thoáng của các dòng chảy (các động mạch – vi mạch não).
Áp lực bơm máu từ tim rất ít thay đổi, chỉ giảm xuống khi huyết áp tâm thu dưới 90mm Hg hoặc khi bị tụt huyết áp (tuy nhiên đây là tình trạng cấp cứu). Mức thông thoáng của các động mạch não bị giảm khi có vữa xơ động mạch não thường xảy ra ở động mạch cảnh.
Hai động mạch cảnh (dọc 2 bên cổ lên não) nằm trong tổ chức mềm (các cơ vùng cổ…), trong khi đó 2 động mạch sống nền chui qua các lỗ xương (ở mỏm ngang các đốt sống cổ) sẽ bị kẹt khi có 1 hay nhiều hơn đốt sống cổ bị chệch (trượt) ra khỏi vị trí sinh lý.
Như vậy trượt, vẹo các đốt sống cổ là nguyên nhân quan trọng đè ép vào 2 trong 4 động mạch não làm giảm lượng máu cung cấp lên não.
Thoái hóa đốt sống cổ là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu nuôi não
Trong Y học cổ truyền, không có bệnh danh thiểu năng tuần hoàn não nhưng những triệu chứng chính của bệnh như đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, ngủ không sâu giấc, ngủ mê, mất ngủ), suy giảm trí nhớ, mệt mỏi kéo dài… được mô tả trong các chứng “đầu thống”, “thất miên”, “huyền vững”. Thiểu năng tuần hoàn não nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực có thể tiến triển thành tai biến mạch máu não.
2. Cách chữa của Hải Thượng Lãn Ông
Hải Thượng Lãn Ông trong bệnh án thứ hai của cuốn “Dương án, âm án” đã ghi chép lại tỉ mỉ quá trình chẩn đoán và điều trị cho một bệnh nhân nữ 26 tuổi, bị chứng đau đầu do âm hư, thủy suy. Theo ông, ngoài loại đau đầu thuộc chứng thực, phần lớn đau đầu thuộc chứng hư (dương hư, huyết hư và nặng hơn nữa là do thủy suy, hỏa suy).
Cách chữa theo Hải Thượng Lãn Ông, nhẹ thì bổ khí, bổ huyết; nặng hơn cần bổ thủy, bổ hỏa, gia thêm ngưu tất, ngũ vị tử. Phép điều trị của Hải Thượng Lãn Ông tuy cách đây nhiều thế kỷ nhưng phù hợp với những kết quả của nhiều công trình nghiên cứu gần đây về cơ cấu bệnh lý theo phân loại của y học cổ truyền. Ở các nhóm nghiên cứu, đa số bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não có trạng thái lý hư nhiệt do can huyết hư, thận âm hư.
Một điều đáng chú ý nữa là, chứng huyết ứ có tỷ lệ cao (89 %) ở bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của những bệnh nhân có huyết ứ là thường xuyên đau hay nặng đầu ở những khu vực nhất định, kèm theo rất hay quên, ngủ ít, chất lưỡi tím có nhiều điểm ứ huyết ở đầu và hai bên rìa lưỡi. Về cận lâm sàng, những bệnh nhân này đều có rối loạn vi tuần hoàn, độ nhớt máu tăng, giảm khả năng biến dạng và di chuyển hồng cầu, tăng độ kết dính tiểu cầu, v.v…
3. Bài thuốc điều trị thiểu năng tuần hoàn não
Trong y học cổ truyền, thiểu năng tuần hoàn não có thể điều trị kết hợp bằng các phương pháp như châm cứu, vật lý trị liệu và sử dụng những bài thuốc có tác dụng hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu… tùy vào chứng trạng (biểu hiện) của bệnh nhân mà dùng.
3.1 Biểu hiện: Nhức đầu, hoa mắt, ngực đầy tức, nôn và buồn nôn, không muốn ăn, người ậm ạch, béo phì, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng, nhợt. Mạch hoạt.
Bài thuốc: Bán hạ 16g, bạch truật16g, trần bì 12g, mạch nha16g, phục linh 16g, hoàng kỳ 12g, nhân sâm 6g, trạch tả 12g, thương truật 16g, thiên ma 12g, thần khúc 16g, hoàng bá 12g, can khương 6g.
Cách dùng: Bán hạ chế, bạch truật tẩm nước vo gạo sao, hoàng kỳ chích mật, thiên ma cám sao, hoàng bá rượu sao, can khương sao ròn. Các vị trên sắc với 1700 ml, lọc bỏ bã lấy 250 ml. Uống ấm, chia đều 5 phần, uống trong ngày.
Châm cứu: Châm bổ: Tỳ du, túc tam lý. Châm tả: Thủy phân, thái dương, phong long, bách hội, tứ thần thông.
3.2 Biểu hiện: Đau đầu, ù tai, cắn buốt 2 thái dương, đau lưng, ít ngủ, ra mồ hôi trộm, miệng đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít. Mạch tế sác.
Bài thuốc: Thiên ma 16g, câu đằng 10g, thạch quyết minh 16g, sơn chi tử 12g, hoàng cầm 10g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g, ích mẫu 10g, tang ký sinh 12g, phục thần 16g, hà thủ ô trắng 12g.
Cách dùng: Thiên ma cám sao, thạch quyết minh sống + 1800 ml nước, sắc còn 900 ml. Các vị còn lại cho vào sắc lọc bỏ bã lấy 250 ml, chia đều 5 phần, uống trong ngày.
Châm cứu: Châm bổ: Tỳ du, thận du, tam âm giao. Châm tả: Thái dương, đầu duy, bách hội.
Vị thuốc thiên ma trong bài thuốc điều trị
3.3 Biểu hiện: Hoa mắt, chóng mặt, sắc mắt nhợt, ăn kém, ngại nói, thở ngắn, tim hồi hộp, tiểu tiện sẻn, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi bệu.
Bài thuốc: Nhân sâm 8g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, phục linh 12g, cam thảo 6g, trần bì 8g, quế tân 6g, thục địa 24g, đương quy 16g, bạch thược 12g, viễn chí 6g, ngũ vị tử 6g.
Cách dùng: Hoàng kỳ chích mật, bạch truật hoàng thổ sao, viễn chí bỏ lõi chế. Các vị trên sắc với 1800 ml, lọc bỏ bã lấy 250 ml. Uống ấm, chia đều 5 phần, uống trong ngày.
Châm cứu: Châm bổ: Tâm du, tỳ du, tam âm giao, túc tam lý. Châm bình bổ bình tả: Thái dương, phong trì, bách hội.
3.4 Biểu hiện: Đau đầu từng cơn, chân tay lạnh, mặt nóng bừng bừng. Ăn uống kém, sôi bụng. Nặng thì choáng váng có thể ngã ngất, chất lưỡi bệu. Mạch trầm tế, vô lực.
Bài thuốc: Hoài sơn 16g, trạch tả 12g, đan bì 12g, sơn thù 16g, bạch linh 12g, thục địa 32g, nhục quế 4g, hắc phụ tử 4g,
Cách dùng: Các vị trên sắc với 1700 ml, lọc bỏ bã lấy 250 ml. Uống ấm, chia đều 5 phần, uống trong ngày.
Châm cứu: Châm bổ, châm ôn các huyệt tỳ du, thận du, mệnh môn, tam âm giao. Cứu quan nguyên, khí hải.
4. Phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
Chưa có phương pháp điều trị nào có thể làm đảo ngược hoàn toàn quá trình thoái hóa nhưng việc cải thiện môi trường sống, xây dựng đời sống tinh thần lạc quan, sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng hợp lý và vận động đúng cách là cách tốt nhất trong phòng và chữa bệnh.
Cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt… và điều cần thiết nhất khám sức khỏe định kỳ. Như vậy mới có thể hạn chế được các biến chứng nguy hiểm do thiểu năng tuần hoàn não hay chứng thiếu máu nuôi não gây ra.
( Theo TS Trần Xuân Nguyên Suckhoedoisong.vn )