1. Canxi là một khoáng chất thiết yếu của cơ thể
Thông thường, canxi được cung cấp qua các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi đã áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng và khỏe mạnh, một số đối tượng vẫn có nguy cơ thiếu hụt canxi như: Trẻ em trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, người cao tuổi, người ăn thuần chay, người mắc bệnh loãng xương, gãy xương, người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa làm giảm hấp thu canxi (viêm ruột, bệnh Celiac, không dung nạp lactose…). Do đó, việc bổ sung canxi thêm ngoài là thực sự cần thiết đối với những trường hợp này.
Hiện nay, trên thị trường có đa dạng các chế phẩm bổ sung canxi, mỗi loại lại có sự khác biệt về thành phần bổ sung và lượng canxi nguyên tố, như: Canxi carbonate (40% canxi nguyên tố), canxi citrate (21% canxi nguyên tố), canxi gluconate (9% canxi nguyên tố), canxi lactate (13% canxi nguyên tố).
Trong đó, hai dạng canxi chính thường được sử dụng là canxi carbonate và canxi citrate.
Canxi carbonate có khuynh hướng được ưu tiên lựa chọn do thành phần chứa nhiều canxi nguyên tố (khoảng 40% trọng lượng). Tốt nhất nên dùng sản phẩm này trong hoặc sau bữa ăn vì canxi carbonate là loại muối không tan, cần acid dạ dày để hòa tan giúp cơ thể dễ dàng hấp thu. Hầu hết mọi người dung nạp canxi carbonate hấp thu tốt, nhưng một số người bị táo bón nhẹ hoặc đầy bụng, khó tiêu nên không muốn dùng kéo dài.
Canxi citrate được hấp thu dễ dàng và ít tác dụng phụ hơn so với canxi carbonate, có thể dùng ngay cả lúc bụng đói và dễ dàng hấp thụ bởi những người đang uống thuốc kháng acid dạ dày, phù hợp với người bệnh viêm ruột và các rối loạn hấp thu khác.
2. Cách bổ sung canxi an toàn tránh sỏi thận
Một trong những bất lợi khi bổ sung canxi là nguy cơ hình thành sỏi thận. Điều này là do, khi uống bổ sung thêm canxi, nó sẽ hấp thụ nhanh qua thành ruột vào máu, kết hợp với oxalat tại thận, lắng đọng lâu ngày hình thành nên sỏi thận.
Để hạn chế nguy cơ sỏi thận, khi uống bổ sung canxi, cần lưu ý các điều sau:
– Cần uống nhiều nước, giúp giảm 20% nguy cơ sỏi thận. Trung bình lượng nước cần thiết hàng ngày từ 1,5-2 lít. Trong điều kiện nắng nóng, người lao động nặng, nên bổ sung nhiều nước hơn để tăng đào thải qua nước tiểu, tránh tình trạng ứ đọng.
– Nên bổ sung các trái cây nhóm cam, chanh, bưởi… bởi trong thành phần có chứa citrat giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
– Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều oxalat như đậu bắp, tỏi tây, rau bina, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng… Do khi nồng độ oxalat quá cao, nó có thể tập trung nhiều trong nước tiểu và dẫn đến hình thành sỏi thận.
Theo DS. Phạm Thị Quỳnh Như – Bệnh viện Trung ương Huế (suckhoedoisong.vn)