Viheco Pharma

Bài thuốc hỗ trợ trị chứng hay quên ở người cao tuổi

19-03-2022 - 1:23 chiều

Nhiều người khi về già tinh thần trở nên ngây dại, chậm chạp, hốt hoảng, suy giảm trí nhớ. Y học hiện đại gọi chứng bệnh này là bệnh Alzheimer. Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định rõ, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết do sự tích tụ của một loại protein ở trong não dẫn đến chết dần các tế bào não; quá trình lão hóa gây ra sự phá hủy các myelin làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, kết quả làm chết các tế bào thần kinh; do rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể. Để cải thiện bệnh này, có những bài thuốc y học cổ truyền nhằm hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh. Chúng ta cùng Viheco tìm hiểu bài thuốc này nhé.

1. Bài thuốc “An thần định chí dưỡng tâm thang” 

Bài thuốc gồm có: Đảng sâm 20g, bạch linh 15g, bạch truật sao 16g, trích thảo 05g, đương quy thân 10g, thục địa 12g, trích kỳ 15g, trần bì 08g, viễn chí (chế) 08g, xương bồ 05g, tảo nhân (sao) 12g, hoài sơn 15g, liên nhục (sao) 15 g, khiếm thực 15g, long nhãn 12g, đỗ trọng 16g, tục đoạn 12g, cẩu tích 15g, ba kích 10g, mạch nha 15g, kỷ tử 10g, táo quả 15g, can khương 03g, cúc hoa 10g.

Bài thuốc trên có thể gia giảm:

  •  Nếu là dạng tâm tỳ thận âm hư, sẽ giảm (bỏ) trích kỳ, ba kích, can khương, gia: Thục địa 16g, mạch môn 10g, ngũ vị 05g.
  • Nếu khó ngủ gia thêm 08g liên tử, mạch huyền hoạt sác (hơi sác).
  •  Nếu là tâm tỳ thận dương hư thì giảm thục địa, đương quy.
  • Nếu tiểu tiện đêm, phân nát, lỏng, gia thêm phá cố chỉ 08g, ích chí nhân 08 g, sa nhân 05g.
  • Nếu ho có đờm, gia cát cánh 15g, xuyên bối 12g, hồng hoa 08g để tránh đàm mê tâm khiếu.

Tóm lại, căn cứ vào phương pháp tứ chẩn của Y học cổ truyền để nhận biết âm dương, hư thực, hàn nhiệt trên lâm sàng, gia giảm cho phù hợp với chứng bệnh của người già.

Các dược liệu trong các bài thuốc y học cổ truyền cải thiện tình trạng hay quên ở người cao tuổi

2. Cách dùng thuốc

Bài thuốc trên sắc nước uống ngày một thang. Mỗi ngày uống 3 lần, sau bữa ăn từ 2 đến 3 giờ, uống lúc thuốc còn ấm.

Nếu là thuốc bột, các vị thuốc sao tẩm sấy khô tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, ngâm với nước sôi trong cốc cho chín thuốc chừng 10 phút rồi uống.

Nếu làm thuốc viên, các vị thuốc cũng sấy khi tán bột mịn, luyện với mật làm viên, mỗi viên 10g. Một ngày uống 2 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên, uống với nước đun sôi để ấm.

Lưu ý: Bài thuốc trên chỉ có tính tham khảo. Người bệnh cần đi khám và tư vấn bởi bác sĩ đông y cho phù hợp với thể trạng của riêng mình.

3. Phòng bệnh ‘hay quên’ như thế nào?

Trò chuyện giúp người cao tuổi giảm nguy cơ mắc bệnh hay quên.

Người cao tuổi cần chú ý tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, các đồ uống có chứa cồn, không hút thuốc lá;

Bổ sung các thực phẩm có nhiều vitamin E (chống oxy hóa, chống gốc tự do), vitamin C, axit folic (vitamin B9)…; 

Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao; tích cực tham gia các hoạt động trí tuệ như: Đọc sách, trò chơi các câu đố hoặc tích cực tham gia hoạt động xã hội cũng giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn

Bài viết khác