Khi đang uống một số loại Đông dược nào đó, cần phải chú ý đến sự tương kỵ giữa thuốc với thức ăn, nước uống ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Dưới đây là một số tương kỵ thuốc Đông y chữa bệnh:
1. Tương kỵ thuốc đông y với nước trà
Không nên dùng nước trà để chiêu thuốc, nhất là thuốc bổ dạng viên hoàn. Chất tannin trong nước trà là một loại acid (tannic acid) ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, thậm chí làm cho thuốc mất hết tác dụng.
2. Tương kỵ thuốc ôn bổ với nước trà
Khi đang uống các loại thuốc bổ có tính ấm (ôn bổ) như thuốc bổ thận tráng dương, kiện tỳ ích khí nên hạn chế uống trà. Trà tính mát, có tác dụng hạ khí, có thể làm giảm tác dụng bổ thận, kiện tỳ của thuốc ôn bổ.
3. Tương kỵ thuốc bổ có nhân sâm với củ cải
Khi dùng thuốc bổ trong thành phần có nhân sâm, không nên ăn củ cải. Nhân sâm là thuốc bổ, còn củ cải là thuốc tiêu (tiêu thực, trừ đờm); một bên “bổ” một bên “tiêu” sẽ làm giảm tác dụng của nhau, gây lãng phí, vì nhân sâm là một vị thuốc quý.
4. Tương kỵ khi dùng thuốc giải biểu
Khi đang dùng thuốc giải biểu làm ra mồ hôi, để giải trừ bệnh tà ra ngoài cơ thể và thuốc thấu chẩn làm cho sởi mọc đều để tránh biến chứng. Không nên ăn những thứ sống lạnh và những thức ăn có vị chua có thể làm giảm tác dụng giải biểu và thấu chẩn của thuốc.
5. Tương kỵ khi dùng thuốc thanh nhiệt lương huyết
Khi đang uống các thuốc thanh nhiệt lương huyết như kim ngân, liên kiều, chi tử…và thuốc dưỡng âm như huyền sâm, sa sâm, mạch môn… không nên ăn những thứ cay nóng – có thể sinh nhiệt, làm giảm tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm.
Ngoài ra, trong “Bản thảo cương mục” – bộ sách kinh điển về Đông dược, có ghi:
- Dùng địa hoàng, hà thủ ô cần kiêng củ cải
- Uống cam thảo, hoàng liên… phải kiêng thịt lợn
- Uống bán hạ phải kiêng thịt dê
- Uống thương lục phải kiêng thịt chó
- Uống thường sơn phải kiêng hành sống
- Uống thổ phục linh phải kiêng trà
- Uống đan sâm cần kiêng giấm
- Uống bạc hà kiêng thịt ba ba
- Uống miết giáp phải kiêng rau dền…
Theo suckhoedoisong.vn