Chóng mặt là một chứng bệnh hay gặp ở người trung niên, người cao tuổi. Bệnh cũng thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh với các cơn bốc hỏa, chóng mặt, hoa mắt. Ở bệnh nhân huyết áp thấp cũng thường xảy ra các triệu chứng hoa mắt chóng mặt…
Theo y học cổ truyền, chứng chóng mặt được mô tả trong chứng huyễn vựng.
Huyễn vựng là cảm giác chòng chành như đứng trên tấm ván nghiêng ngả, cảm giác không vững vàng, như muốn đổ người sang trái rồi lại đổ sang phải, giống như người say rượu đi trên nền bằng nhưng không đứng được vững…
Các sách đều viết về chứng chóng mặt là một trong các chứng phổ biến của đông y và có các bài thuốc chuyên điều trị theo từng thể bệnh chuyên biệt:
– Sách Tố vấn chí chân yếu đại luận ghi: “Các chứng phong chóng mặt đều thuộc về can” (Chư phong tác huyễn, giai thuộc vu can), chữa can là chính.
– Kim quỹ yếu lược (Trọng Cảnh) ghi: “Ở tâm hạ có đờm ẩm thì ngực sườn đầy tức mắt hoa” (Tâm hạ hữu đờm ẩm hung hiếp chi mãn, mục huyễn).
– Đan khê tâm pháp cũng ghi: “Không có đờm thì không có chóng mặt” (Vô đờm bất tác huyễn), chữa đờm là chính.
– Còn “Hà Gian lục thư” ghi: “Phong hỏa đều là dương, dương hay hóa, dương chủ cái động, hai cái dương (phong – hỏa) tác động lẫn nhau, sẽ gây nên quay chuyển” (phong hỏa giai dương, dương đa kiêm hóa, dương chủ hô động, lưỡng dương tương bác, tắc vi tuyền chuyển), chữa hỏa là chính.
– Cảnh Nhạc toàn thư ghi: “Không có hư thì không có chóng mặt” (vô hư bất tác huyễn), chữa hư là chính.
Trung y chia chứng huyễn vựng ra 4 thể loại như sau: Can dương thượng cang, đờm trọc trở ngại trung tiêu, thận tinh bất túc, khí huyết hư suy. Mỗi thể đều có bài thuốc riêng chuyên trị.
1. Chóng mặt thể can dương thượng cang
– Triệu chứng: Chóng mặt ù tai, đau đầu, căng mắt, nếu giận dữ thì váng đầu, đau đầu tăng lên, mặt lúc đỏ lúc không, dễ cáu, ngủ ít mộng nhiều, mồm đắng, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền.
– Phép điều trị: Bình can, tức phong.
– Bài thuốc – Thiên ma câu đằng ẩm gồm: Thiên ma 12g, câu đằng 12g, bạch linh 10g, tang kí sinh 12g, đỗ trọng 15g, hoàng cầm 10g, ngưu tất 10g, phục thần 12g, thạch quyết minh 10g, ích mẫu 10g, phục thần 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sau ăn. Uống khi thuốc còn ấm.
Phân tích bài thuốc: Thiên ma, câu đằng bình can tức phong là quân chữa chứng hoa mắt chóng mặt. Đỗ trọng, bạch linh, tang ký sinh, thạch quyết minh chữa chứng hoa mắt, đồng thời bổ thận tinh làm thần. Hoàng cầm thanh nhiệt thượng tiêu làm tá, các vị còn lại là sứ.
2. Thể đàm trọc
– Triệu chứng: Chóng mặt, đầu nặng, ngực bụng trên ách tắc đầy, lợm giọng, buồn nôn, ăn ít, ngủ nhiều, rêu trắng bẩn, mạch nhu hoạt.
– Phép điều trị: Táo thấp trừ đờm, kiện tỳ hòa vị.
– Bài thuốc – Bán hạ bạch truật thiên ma thang gồm: Bán hạ 8g, thiên ma 10g, phục linh 10g, trần bì 8g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Phân tích bài thuốc: Bán hạ thiên ma trừ phong đàm, bạch truật, phục linh kiện tỳ thẩm thấp, trần bì trừ thấp, hóa đàm hành khí, cam thảo, đại táo và gừng điều hòa vị thuốc, bổ khí hành khí.
3. Thể thận tinh bất túc
– Triệu chứng: Chóng mặt, tinh thần mệt mỏi, hay quên, lưng mỏi chân yếu, di tinh, ù tai, mất ngủ, nhiều mộng.
– Phép điều trị: Bổ thận ích tinh. Với thận dương hư dùng bài thuốc hữu quy hoàn, với thận âm hư dùng bài lục vị tri bá.
+ Bài thuốc ‘Hữu quy hoàn’: Thục địa 12g, sơn dược 16g, sơn thù 12g, câu kỷ tử 8g, đỗ trọng 12g, thỏ ti tử 6g, chế phụ tử 3g, nhục quế 3g, đương quy 16g, cao ban long 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng bổ thận ích tinh, chữa hoa mắt chóng mặt.
+ Bài ‘Lục vị tri bá”: Thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, đan bì 8g, bạch linh 8g, trạch tả 8g, tri mẫu 10g, hoàng bá 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng tư âm bổ thận, dưỡng âm, thanh nhiệt trị chứng hoa mắt chóng mặt.
4. Thể khí huyết lưỡng hư
– Triệu chứng: Chóng mặt hoa mắt, vận động thì tăng lên, sắc mặt bệch, mất ngủ, mệt mỏi, lười nói, ăn kém, lưỡi nhạt, mạch tế nhược.
– Pháp điều trị: Bổ khí huyết, kiện tỳ an thần.
– Bài thuốc ‘Thập toàn đại bổ’ gồm: Đẳng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Trong đó thục địa, xuyên khung, đương quy, bạch thược bổ huyết; đẳng sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo bổ khí; hoàng kỳ, nhục quế làm cho mạnh và tăng cường tác dụng bổ khí huyết.
Theo suckhoedoisong.vn