Cam thảo là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong các thang thuốc điều trị bệnh từ hàng ngàn năm nay, được ví như vị thuốc đa năng trong danh mục dược Y học cổ truyền.
Cam thảo thuộc họ đậu. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ cây cam thảo.
Cam thảo vị ngọt, tính bình, quy vào 12 kinh.
1. Một số công dụng của cam thảo
1.1. Bổ trung khí, bổ tỳ vị
Trong Đông Y quan niệm, trung khí là nơi của tỳ vị – là tạng phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu, vận hóa thức ăn từ bên ngoài vào trong cơ thể. Tỳ vị tốt thì ăn ngon miệng, đồ ăn thức uống được hấp thu, chuyển hóa thành chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó chất nạp vào theo 12 kinh lạc đi khắp cơ thể, nuôi dưỡng và duy trì sự sống cho con người.
Tuy nhiên, nếu tỳ vị kém, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa, gây chán ăn, ăn không ngon miệng, miệng nhạt không muốn ăn, không hấp thu được các chất dinh dưỡng có trong đồ ăn, khiến việc cung cấp chất dinh dưỡng bị suy giảm.
Cơ thể không được nuôi dưỡng đầy đủ, người gầy yếu, gân cơ teo nhẽo dần, sắc môi nhợt nhạt, khô héo, dễ mắc các chứng bệnh đường tiêu hóa như: Đau bụng, đi ngoài… Do đó, công năng của tỳ vị đối với cơ thể chúng ta rất quan trọng. Vậy nên trường hợp tỳ vị kém, có thể kê đơn vị cam thảo hỗ trợ trung khí trưởng vượng.
Cam thảo vị ngọt, ứng với thổ tỳ theo ngũ hành, do đó cam thảo sẽ ‘ưu tiên’ vào kinh tỳ vị đầu tiên và có dược tính hiệu quả tối đa, cải thiện tình trạng về đường tiêu hóa. Cơ thể chúng ta sẽ ăn uống ngon miệng hơn, hấp thu dưỡng chất tốt hơn, không còn tình trạng đau bụng, đi ngoài…
Kết hợp với một số vị thuốc như đảng sâm, bạch linh, bạch truật… cam thảo làm gia tăng công lực bổ trợ trung khí, giúp điều hòa tạng phủ tỳ vị về trạng thái cân bằng, hỗ trợ công năng tỳ vị được tối ưu.
1.2. Điều hòa vị thuốc đông dược
Một công dụng rất hay của cam thảo đó là có thể bình hòa các vị thuốc trong một thang thuốc Đông y, vừa giúp phát huy tối đa tác dụng dược lý, lại giảm bớt tác dụng không tốt đối với cơ thể.
Cụ thể, phụ tử có tính cay, cực nhiệt mạnh, có thể gây tê tay chân, khó thở, tụt đường huyết, rối loạn nhịp tim… vậy nên cần kê phụ tử liều phù hợp và kết hợp với cam thảo để giảm bớt tác dụng không mong muốn của phụ tử.
Dùng cam thảo với các thuốc cay ấm, phát tán như ma hoàng, quế chi… phòng gây ra mồ hôi quá mức, gây hao tổn tân dịch.
Đối với những nhóm thuốc bổ, cam thảo giúp tác dụng dược lý của thuốc được đưa vào cơ thể một cách từ từ, vừa giúp thuốc phát huy tối đa công dụng, lại giúp cơ thể dần dần điều chỉnh cân bằng âm dương, điều hòa lục phủ ngũ tạng… Ví dụ như giảm tính lạnh, nê trệ bổ âm của thục địa; hạn chế tính ôn ấm của ba kích, phá cố chỉ…
1.3. Dẫn thuốc khi dùng phối hợp
Trước hết, cam thảo vị ngọt, giúp thuốc về kinh tỳ, sau đó giúp các vị thuốc nhờ vào công năng vận hóa của tỳ mà đến các kinh theo tính vị. Vậy nên cam thảo sẽ đưa bài thuốc vào kinh tỳ trước, sau đó mới theo quy kinh mỗi tính vị riêng. Bài thuốc nhờ công năng tỳ vị vận hóa mà đưa đông dược quy đúng kinh, dược tính vào cơ thể có tác dụng nhanh, mạnh, tốt hơn.
Cam thảo lại vừa có tính thăng, vừa có tính giáng, chạy khắp 12 kinh trên cơ thể, do đó có thể điều dẫn các vị thuốc về đúng kinh lạc, hỗ trợ các vị “đi đúng đường”.
2. Những lưu ý khi dùng cam thảo
Mặc dù cam thảo có rất nhiều công dụng, có thể phối hợp với đại đa số vị thuốc trong đông y, tuy nhiên vẫn cần lưu ý một số điều sau khi dùng vị cam thảo:
- Cam thảo tối kỵ dùng cho người phù nề, người có tăng huyết áp.
- Không sử dụng cam thảo lâu ngày vì có thể gây tác dụng không mong muốn như: Phù, rối loạn điện giải, mất cân bằng hormon, rối loạn chu kì kinh nguyệt ở nữ,…
- Không dùng với đại kích, cam toại, nguyên hoa, hải tảo.
- Việc sử dụng bất kỳ vị thuốc y học cổ truyền nào cũng nên cần sự thăm khám, chẩn bệnh của bác sĩ, được bác sĩ kê đơn và theo dõi trong quá trình dùng thuốc.
Theo Viheco