Viheco Pharma

9 cách dùng râu ngô làm thuốc

28-10-2022 - 10:33 sáng

Râu ngô có tên thuốc là ngọc mễ tu, bao cốc tu, thục thử tu; có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết… chữa nhiều bệnh.

1.Tác dụng chữa bệnh của râu ngô

Râu ngô dùng làm thuốc là những sợi râu dài, màu be tía hoặc màu nâu đỏ, thường xoắn lại thành búi, thu hái vào lúc thu hoạch ngô.

Theo Đông y, râu ngô tính bình, vị ngọt, không độc, lợi vào kinh gan, thận, bàng quang và tam tiêu; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, bình can, lợi mật; chủ trị các chứng bệnh viêm thận sinh ra phù thũng, cước khí, viêm gan vàng da, cao huyết áp, đái tháo đường, chảy máu cam…

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, râu ngô hàm chứa các chất béo, dầu bay hơi, mỡ thực vật, chất kiềm và vitamin K, kích thích tố và các acid hữu cơ có tác dụng lợi mật, cầm máu, thông tiểu…

photo-1666423600793
Râu ngô

Râu ngô chủ trị các chứng bệnh viêm thận sinh ra phù thũng

2. Cách dùng râu ngô làm thuốc chữa bệnh

2.1 Canh râu ngô thịt trai: Râu ngô tươi 50g, trai bóc bỏ vỏ lấy 120g thịt; thêm nước vào nấu kỹ thành món canh; cách một ngày dùng 1 lần, ăn thịt trai và uống nước canh. Dùng cho người cao huyết áp, đái tháo đường, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm gan vàng da và viêm thận cấp tính phù nề và viêm túi mật.

2.2 Thang râu ngô điều hòa huyết áp: Râu ngô 60g, nấu nước uống hàng ngày. Dùng liên tục 1-3 tháng.

2.3 Trà râu ngô hoa cúc: Râu ngô 18g, thảo quyết minh tử (hạt muồng ngủ) 10g, cam cúc hoa 6g; Hãm nước sôi uống thay trà. Dùng cho người cao huyết áp kèm theo hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu; bệnh tim mạch.

  • 10 loại trà từ cây cỏ cho người bệnh viêm đường tiết niệu

2.4 Thang râu ngô vỏ chuối tiêu: Râu ngô 30g, vỏ chuối tiêu 30g, chi tử (dành dành) 9g; sắc nước uống. Dùng cho người cao huyết áp kèm theo chảy máu, thổ huyết; chữa bệnh cao huyết áp nguyên phát.

Dùng cho người cao huyết áp, viêm thận cấp tính phù nể, đái đường, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm gan da vàng và viêm túi mật.

2.5 Rượu cái, râu ngô: Râu ngô 15g, bỏ vào nồi, cho nước vừa phải, đun sôi 20 phút, sau đó vớt hết râu ngô ra, cho thêm 100g rượu cái đã lên men tốt, đun sôi lên ăn. Dùng để chữa trị bệnh phong chẩn, mẩn ngứa.

photo-1666423602739

Đậu đỏ nấu với râu ngô trị nhiều bệnh

2.6 Thang râu ngô, đậu đỏ: Râu ngô 30g (tươi 100g), đậu đỏ 30g. Râu ngô đựng trong túi vải, nấu chung với đậu đỏ cho tới khi đậu nhừ. Ăn đậu uống thang, ngày 1 lần. Uống liền 7 ngày. Dùng cho người tỳ hư gan nóng, đau đầu, váng đầu, người và chân tay phù thũng lâu ngày không khỏi.

2.7 Thang râu ngô thủy ngưu giác: Râu ngô 30g, thủy ngưu giác (sừng trâu) 15g, đường đỏ 60g. Râu ngô sắc lấy nước bỏ bã, thủy ngưu giác mài nước cho vào đường đỏ đánh lẫn. Uống ngày 1 thang chia 2 lần. Dùng cho người cao huyết áp, đau đầu căng thẳng, buồn bực trong lòng dễ tức giận, đêm ngủ không yên…

2.8 Trà râu ngô, rễ cỏ tranh: Râu ngô 30g, rễ cỏ tranh 30g, chè 5g. Hãm nước sôi uống thay trà. Dùng cho người phù nề do viêm thận, đồng thời bị cao huyết áp.

2.9 Cao lỏng râu ngô: Râu ngô tươi 1000g, cho nước vừa đủ, đun nhỏ lửa trong 1 giờ, bỏ bã đun thêm cô đặc, khi nào nguội cho 500g đường trắng vào cho hút hết nước thuốc, trộn đều, phơi khô, bỏ lọ dùng dần. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 10g; pha nước sôi cho tan mà uống. Dùng cho người viêm thận phù nề, sỏi thận, đau lưng, tiểu ra máu.

Theo BS Vũ Quốc Trung – suckhoedoisong.vn

Bài viết khác