1. Trà có thể hỗ trợ sức khỏe miễn dịch như thế nào?
Phần lớn các lợi ích về miễn dịch và sức khỏe tổng thể của trà được gắn liền với một nhóm chất chống oxy hóa là polyphenol.
Một lượng đáng kể dữ liệu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu polyphenol có tác dụng bảo vệ chống lại các tình trạng sức khỏe mãn tính như bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường typ 2. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tác động của chất dinh dưỡng chống oxy hóa này đối với phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với bệnh cúm. Các loại trà đặc biệt giàu polyphenol được gọi là flavonols cũng được chứng minh là giúp giảm huyết áp và cholesterol.
Theo Harvard Health, chất chống oxy hóa (như flavonols trong trà) có thể giúp bảo vệ cơ thể bạn chống lại các gốc tự do do ô nhiễm, khói thuốc lá và tia cực tím tạo ra. Các gốc tự do có những tác động có hại đối với cơ thể, bao gồm cả làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Có nhiều loại trà giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch. Cá
c lựa chọn phổ biến như trà xanh, trà đen, trà trắng và trà ô long… đều đến từ cùng một loại cây Camellia sinensis. Tuy nhiên chúng trở nên khác biệt là cách chế biến, vị trí địa lý và giống cây trồng… tạo nên hương vị và thành phần dinh dưỡng của trà. Điều này có nghĩa là một số loại trà sẽ cung cấp nhiều lợi ích miễn dịch hơn những loại trà khác.
Sức khỏe miễn dịch là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người. Bạn có thể bắt đầu với danh sách các loại trà cho hệ miễn dịch khỏe mạnh này:
2.Một số trà có thể giúp tăng cường miễn dịch
2.1 Trà xanh
Trà xanh rất giàu catechin. Đây là một chất chống o xy hóa, có tác dụng làm giảm cholesterol máu, kháng chuẩn và ngăn ngừa ung thư…
Epigallocatechin gallate (EGCG) là một trong những catechin dồi dào nhất và được biết đến nhiều nhất trong trà xanh.
Một nghiên cứu trên chuột trước đây cho thấy, cho chuột dùng EGCG làm tăng số lượng tế bào T điều hòa trong lá lách và các hạch bạch huyết. Tế bào T điều hòa giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch, giúp hệ thống miễn dịch luôn cân bằng và ngăn chặn nó tấn công các tế bào khỏe mạnh.
Nghiên cứu trên người cho thấy, EGCG đã ngăn chặn các tế bào T tạo ra các protein chống viêm được gọi là cytokine, điều này cho thấy rằng các hợp chất thực vật trong trà xanh có thể giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch.
Mặc dù những kết quả này cung cấp manh mối về mối liên hệ giữa trà xanh và khả năng miễn dịch, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm ở người, nhất là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và trên quy mô dân số lớn hơn.
2.2 Trà nghệ
Nghệ là loại gia vị rất thông dụng trong rất nhiều món ăn, điển hình là món cà ri, và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nghệ còn được dùng dưới dạng trà.
Các nghiên cứu cho thấy, nghệ có thể làm giảm viêm và chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, cả hai đều hỗ trợ chức năng miễn dịch tổng thể.
Hợp chất hoạt động chính trong nghệ là curcumin. Chất này giúp loại bỏ hiệu quả gốc tự do, kiểm soát các enzym trung hòa các gốc tự do và giúp ngăn chặn việc tạo ra các gốc tự do. Gốc tự do là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, curcumin có thể đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch. Nghiên cứu trên chuột, sử dụng tế bào lá lách được nuôi cấy từ chuột tiết lộ rằng chất curcumin có thể điều chỉnh tế bào T và tế bào B- hai tế bào lympho nhận biết và phản ứng với các chất lạ bên trong cơ thể. Các nhà khoa học nhân thấy, curcumin đã giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch để ngăn chặn các tế bào miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Kết quả này cho thấy, curcumin có thể là một liệu pháp đầy hứa hẹn để giữ cho hệ thống miễn dịch được kiểm soát.
2.3 Trà đen
Trà đen là kết quả của phản ứng lên men từ trà xanh. Loại trà này chứa polyphenol được gọi là theaflavins- là một chất chống ô xy hóa tương tự như ECGC (trong trà xanh).
Nghiên cứu trên người khỏe mạnh (người không có bệnh nặng và huyết áp tâm thu từ bình thường đến nhẹ), uống ba tách trà đen mỗi ngày trong sáu tháng cho thấy hoạt động miễn dịch tăng lên.
2.4 Trà trắng
Trà trắng được biết đến là một trong những loại trà tinh tế nhất vì nó được chế biến rất ít. Trà trắng được thu hoạch trước khi lá chè nở hết, khi búp non vẫn còn bao phủ bởi những sợi lông trắng mịn, do đó có tên là trà “trắng”.
Những búp và lá non này được chọn lọc thủ công và sau đó được làm khô một cách nhanh chóng, vì vậy lá không bị ôxy hóa.
Tuy nhiên, giống như trà xanh, trà trắng cung cấp hàm lượng catechin cao. Lợi ích chống ô xy hóa tương tự như trà xanh, mặc dù tiềm năng chống oxy hóa của trà xanh vẫn lớn hơn.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy, chiết xuất trà trắng giúp bảo vệ các tế bào thần kinh của chuột khỏi bị hư hại khi tiếp xúc với hydrogen peroxide, một gốc tự do; giúp chế ngự tình trạng viêm nhiễm trong tế bào da người do các gốc tự do gây ra. Ngoài ra, trà trắng có thể mang lại lợi ích kháng khuẩn.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác dụng kháng khuẩn của lá trà trắng bằng cách chống lại vi khuẩn Streptococcus mutans ở miệng và vi khuẩn Streptococcus sobrinus, hai vi khuẩn này góp phần gây sâu răng. Sau thời gian ủ 72 giờ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất trà trắng cho thấy tác dụng kháng khuẩn đáng kể chống lại vi khuẩn Streptococcus mutans. Điều này cho thấy chiết xuất trà trắng có thể giúp bảo vệ chống lại sâu răng. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu trên người.
2.5 Trà gừng
Gừng cũng là một loại gia vị để chế biến món ăn, tuy nhiên, gừng còn được sử dụng phổ biến dưới dạng trà.
Gingerol là hợp chất hoạt động chính tạo ra vị cay, mùi thơm và các đặc tính y học của gừng. Các nghiên cứu cũng cho thấy, gingerol không chỉ có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mà còn có thể điều trị nhiễm trùng.
Ngoài gingerol, gừng còn chứa các hợp chất kháng virus khác có hiệu quả trong việc chống lại cảm lạnh thông thường.
Theo suckhoedoisong.vn