Nhiều cụ già thường bị chứng “ngây dại lẩn thẩn” của tuổi già. Y học hiện đại gọi là chứng Alzheimer.
1. Triệu chứng bệnh Alzheimer
Người ta thường ca ngợi các cụ già: “Tuổi cao trí càng cao”, là “cây cao bóng cả” là “cây đa cây đề” để gia đình, con cháu tự hào được nương nhờ các cụ về mặt tinh thần và ý chí. Đồng thời cũng được xã hội tôn trọng và kính nể.
Nhưng trong đó cũng có nhiều cụ bị chứng “ngây dại lẩn thẩn. Y học cổ truyền gọi là Si ngai (ngốc) (Senike dementia). Có nghĩa là tình trạng tinh thần trở nên ngây dại chậm chạp, hốt hoảng, suy giảm trí nhớ, thậm chí đãng trí hay quên hoặc quên hết những việc đã qua. Tính tình trầm mặc ít nói, có khi không chủ động được sinh hoạt của chính mình. Đó là chứng bệnh chủ yếu biểu hiện trên lâm sàng.
Trong y văn của y học cổ truyền có không ít tài liệu bàn về chứng ngây dại lẩn thẩn của người già. Sách “Thiên Kim Yếu phương” đời nhà Đường cũng đã ghi chép về người già phần nhiều có các triệu chứng “Tâm lực suy thoái, nói trước quên sau, ăn uống không biết mùi vị, chỗ ngủ không yên, mọi việc linh tính rời rạc, chẳng tin cậy vào ai nữa”.
Sách “Dưỡng Lão Phụng Thân” đời nhà Tống cũng đã nói rõ đặc điểm đối với người già bị bệnh ngây dại là “Thần khí phù nhược, trở lại như hồi còn trẻ con”, “chân khí hao kiệt, ngũ tạng suy nhược”, hay vui mừng, tức giận, khó tính khó nết”.
Sách “Y Lâm Cải Thác” của Vương Thanh Nhiệm thì chỉ thẳng ra rằng bệnh này là do “Não tủy dần dần bị trống rỗng” gây nên.
Sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” thì nói “Chứng ngây dại, phàm thường ngày không có đêm hoặc do uất kết hoặc có điều gì không được toại nguyện hoặc do lo nghĩ, nghi ngờ, sợ hãi, rồi dần dần dẫn đến ngây dại… Nói năng lộn xộn, cử động không làm chủ được, hoặc ra nhiều mồ hôi, hay buồn rầu, rất nhiều triệu chứng. Mạch hoặc huyền hoặc sác, hoặc đại hoặc tiểu, thay đổi bất thường.
Thường các triệu chứng này do nghịch khí từ tâm hoặc hai kinh Can, Đờm không thanh tĩnh gây nên. Có thể chữa khỏi và cũng có thể không khỏi, mà phải theo vị khí, nguyên khí mạnh hay yếu, dần dần hồi phục, không thể vội vàng được. Nên phù trợ chính khí là chủ yếu, dùng bài “Thất phúc ẩm” hoặc bài “Đại bổ nguyên tiễn”.
2. Bài thuốc hỗ trợ trị bệnh Alzheimer
2.1 Bài Thất phúc ẩm (Tân phương bát trận, cảnh nhạc toàn thư)
Bài thuốc gồm có: Nhân sâm, thục địa hoàng, trọng lượng của mỗi vị tùy theo người thầy thuốc sử dụng. Đương quy từ 8-10 gam. Sao bạch truật, chích cam thảo, mỗi vị 4 gam. Toan táo nhân (sao) 8 gam. Viễn chí chế 1,5 đến 2 gam.
Sắc uống mỗi thang một ngày, chia 2 – 3 lần, nên uống xa bữa ăn.
Trị khí huyết đều hư mà Tâm Tỳ là chủ yếu.
2.2. Bài Đại bổ nguyên tiễn (Tân phương bát trận – Cảnh Nhạc toàn thư)
Bài thuốc gồm có:
- Nhân sâm 3 gam đến 15 gam (Bổ khí bổ dương dùng vị thuốc này là chủ yếu). Dùng ít từ 1 đến 2 đồng cân (1 đồng cân tương đương 4 gam), dùng nhiều từ 1 đến 2 lạng.
- Sơn dược sao (hoài sơn) 6 gam.
- Thục địa từ 10-15 gam (bổ tinh, bổ âm, dùng vị thuốc này là chủ yếu, ít thì dùng 2-3 đồng cân, nhiều thì dùng 2-3 lạng.
- Đỗ trọng 6 gam.
- Đương quy 6-10 gam (nếu tiêu chảy thì không dùng).
- Sơn thù du 3 gam (1 đồng cân, nếu sợ của chua, lưỡi chua thiệt toan. Sách trung y Đại từ điển thì nói: Ợ chua thôn toan thì không dùng.
- Câu kỷ tử 6-9 gam.
- Chích cam thảo từ 3-6 gam.
Cách dùng: Sắc nước uống. Cách sắc cho 2 bát nước sắc còn 7/10, uống ấm xa bữa ăn.
Công hiệu của bài thuốc: Bổ ích khí huyết, cứu bản bồi nguyên (cứu chữa từ gốc, bồi bổ nguyên khí).
Chủ trị: Khí huyết đại khuy (quá suy nhược).
Chứng bệnh nguy nặng, tinh thần thất thủ (không giữ được tinh thần) gia giảm:
- Nếu nguyên dương bất túc, hàn nhiều, gia phụ tử (chế), nhục quế, bào khương (gừng nướng cháy).
- Khí phận thiên về hư, gia hoàng kỳ, bạch truật. Nếu vùng vỵ nhiều trệ khí thì không dùng.
- Huyết trệ thì gia xuyên khung bỏ sơn thù du.
- Nếu hoạt tiến (hay bị tiêu chảy) gia ngũ vị và phá cố chỉ.
(Theo TTND. Lương y Trần Văn Quảng suckhoedoisong.vn)
Phó Tổng biên tập Tạp chí Đông y Việt Nam