Thanh đại là chế phẩm được điều chế từ cây chàm mèo, có vị mặn, tính hàn, vào kinh can, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tiêu ban; thường dùng trị nhọt, chảy máu cam, viêm răng lợi, quai bị…
1. Đặc điểm của cây chàm mèo
Chàm mèo là loài cây rừng vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, có nhiều ở nước ta. Từ xa xưa người ta dùng chàm mèo để nhuộm vải chàm, làm thuốc chữa bệnh…
Khoa học hiện đại cũng đã phát hiện trong cây có chất chống ung thư bạch cầu, hạ huyết áp, chữa bệnh vảy nến và nhiều bệnh khác…
Chàm mèo là loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao khoảng 40cm-1m. Thân nhẵn, phân nhiều nhánh, phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, hình bầu dục hay hình trứng, mép khía răng cưa. Hoa màu lam tím hay tím hồng. Quả nang, nhẵn, hẹp, dài.
Cây được trồng và mọc hoang khá phổ biến ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào… Cây ưa ẩm và ưa bóng râm, thường sống nơi đất ẩm, dưới tán lá rừng gần bờ suối hoặc trồng xen với các cây trồng khác trên nương rẫy, trong vườn nhà…
2. Cách chế biến vị thuốc thanh đại
Thanh đại có tên khác là bột chàm.
Tên khoa học: Indigo Naturalis (bột màu xanh tự nhiên).
Thanh đại là chế phẩm được điều chế từ cây Chàm mèo: Strobilanthes cusia Bremek., họ Ô rô (Acanthaceae).
Cách chế biến bột chàm (thanh đại):
– Cắt lá thành đoạn dài 25-30cm, ngâm trong vại nước 3-5 ngày (mùa nóng), 6-9 ngày (mùa lạnh) cho đến khi nẫu nát, khuấy kỹ, lọc qua sàng để bỏ bã lá, gạn lấy nước trong.
– Cho vôi cục vào nước lọc, cứ 8-10 kg vôi cục cho 100 kg lá chàm. Dùng que khuấy đảo liên tục trong 4-6 giờ. Dung dịch nổi bọt và ngả sang màu xanh lam.
– Gạn lấy bột chàm, ép hết nước, phơi sấy ở nhiệt độ dưới 50 độ C cho đến khi khô.
Một số cây được làm nguyên liệu sản xuất thanh đại:
- Cây Chàm: Indigofera tinctoria L., học Đậu (Fabaceae).
- Cây Bản lam căn: Isatis indigotica Fort. hoặc Isatis tictoria L., họ Chữ thập (Brassicaceae)
- Cây Nghể chàm: Polygonum tinctorium Lour., họ Rau răm (polygonaceae).
Thành phần hóa học của cây chàm mèo: Trong quá trình chế biến, chất indican sẽ thủy phân cho glucoza và indoxyl. Chất indoxyl sẽ oxy hóa thành indigotin có màu xanh lam. Tùy theo cách chế biến mà bột chàm có độ tinh khiết khác nhau; cứ khoảng 100 kg lá thu được khoảng 3 kg bột thanh đại; nghiền nhỏ thành bột mịn để dùng.
Ngoài chất indigotin, trong cây còn chứa lupeol, betulin, lupenon, indigo, tryptanthrin, indirubin; 4(3H)-quinazolinon; 2,4 (1H, 3H)- quinazolinedion.
Theo nghiên cứu mới đây, bột thanh đại (indigo naturalis) rất hiệu nghiệm trong việc chữa trị bệnh vảy nến (psoriasis). Chất tryptanthrin là chất kháng sinh có tính đặc hiệu cao với các loại nấm ngoài da. Indirubin có tác dụng ức chế tế bào leukemia; 4(3H)-quinazolinon có tác dụng hạ huyết áp.
3. Tác dụng của vị thuốc thanh đại
– Tính vị quy kinh: Thanh đại vị mặn, tính hàn; vào kinh can; tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, tiêu ban.
– Công năng chỉ trị: Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tiêu phù. Chữa chứng can nhiệt kinh giật, chữa nhiệt khái đờm đặc, thấp chẩn (bệnh ngoài da), lở miệng, huyết nhiệt phát ban, quai bị…
– Liều dùng: 2g đến 8g. Do vị thuốc khó tan trong nước nên thường làm thành thuốc bột hoặc cho vào thuốc sắc.
– Kiêng kỵ: Do tính rất hàn nên không phải thực nhiệt thì không dùng.
4. Một số đơn thuốc từ thanh đại
4.1 Giải độc trị nhọt:
+ Bột thanh đại: Thanh đại 8g; thạch cao 16g; hoạt thạch 16g; hoàng bá 8g. Các vị nghiền mịn, trộn đều, thêm một lượng vaselin, đánh kỹ, bôi vào chỗ đau. Trị các bệnh ngoài da, sưng nóng, đau ngứa, chảy nước.
+ Thanh đại và ít băng phiến. Chế với nước ấm, bôi vào chỗ đau. Trị viêm tuyến mang tai cấp tính trẻ em (quai bị).
4.2 Lương huyết, tiêu ban:
Phát ban do nhiệt độc, huyết nhiệt gây thổ huyết, đổ máu cam dùng:
+ Thanh đại 8g. Uống với nước. Trị ban đỏ do nhiễm lạnh.
+ Thanh đại 12g, cáp phấn 12g. Nghiền bột mịn. Mỗi lần dùng 2g đến 4g, uống với nước, ngày 2 lần. Trị ho ra đờm có máu, đờm huyết do phế quản nở giãn. Nếu huyết nhiệt gây thổ huyết, chảy máu cam; dùng thanh đại hoặc kết hợp với bồ hoàng, hoàng cầm.
+ Rễ chàm mèo 15g, hạt ích mẫu 15g, tử thảo bì 15g, đan bì 15g, bạch truật 15g, ngân hoa 15g, sinh địa 15g, phục linh 10g, bạch tiên bì 15g, kinh giới 10g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang, chia 2- 3 lần, liên tục 2 – 4 thang. Chữa ban đỏ kết vảy thể huyết nhiệt.
+ Lá chàm mèo 30g, xích thược 20g, hồng hoa 10g, đào nhân 15g, tạo thích 30g, sơn giáp sao 10g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng ít nước thuốc rửa nơi bị bệnh. Chữa viêm da do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc sâu bọ đốt, vết ngứa do sứa biển.
4.3 Thanh nhiệt giải nắng:
+ Bột Bích ngọc: Thanh đại 63g; cam thảo 63g; hoạt thạch 630g. Nghiền chung thành bột; mỗi lần 12g – 30g. Sắc hoặc pha với nước. Trị cảm nóng, tiểu tiện ít mà đỏ.
+ Thanh đại 12g; bạch phàn 24g. Nghiền thành bột mịn. Ngày 3 lần, mỗi lần 2g. Hỗ trợ trị viêm gan cấp và mạn tính.
4.4 Chữa viêm răng lợi, hầu họng:
+ Chữa viêm lợi răng, chảy máu: Bạch phàn 40g; thanh đại 80g; hồng hoàng 2g; băng phiến 2g. Xát vào chỗ lợi bị viêm nhiễm, ngậm 15 phút sau đó nhổ bỏ đi. (Đơn thuốc của Viện Quân y 6 thừa kế).
+ Thuốc cam tẩu mã: Hoàng bá 12g; hoàng liên 16g; thanh đại 20g; đinh hương 12g; đại hồi 4g; nhân trung bạch 20g; bạch phàn 12g. Bào chế dạng thuốc bột. Đắp đầy chỗ lợi sưng đau. Ngày làm 3 – 4 lần.
Lá thường được dùng chữa viêm họng, sốt, làm mọc tóc, trị kinh phong, xáo trộn thần kinh, cầm máu, đắp trĩ, lợi tiểu, tiêu sỏi, bệnh ngoài da và chống ngứa do sứa biển gây ra. Dùng ngoài bó gãy chân; dịch lá trộn với mật ong chữa tưa lưỡi, lở mồm, viêm lợi chảy máu. Rễ bổ gan, indirubin hỗ trợ phòng chống ung thư máu…
( Theo TTƯT. TS. Nguyễn Đức Quang suckhoedoisong.vn)