Rau mùi tây không chỉ được biết đến và yêu thích trên khắp thế giới với vai trò một loại gia vị phổ biến, mà hơn thế, mùi tây còn là loại thảo mộc rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, mùi tây còn có tác dụng tuyệt vời trong hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa sỏi thận.
Với các bệnh nhân sỏi thận có lẽ ai cũng tìm kiếm cho mình những loại thuốc giúp tiêu sỏi và ngăn ngừa tạo sỏi. Bên cạnh các loại thuốc tây y, trong đông y, những loại thảo mộc cũng góp phần không nhỏ trong việc điều trị và ngăn ngừa sỏi thận. Rau mùi tây là một trong những loại thảo mộc hữu ích.
Thành phần của rau mùi tây và những tác dụng với bệnh sỏi thận
Rau mùi tây có tính ôn, vị cay, chứa hàm lượng lớn chất khoáng và vitamin. Đặc biệt, lượng vitamin C có trong rau mùi tây nhiều gấp 3 lần so với ở các loại rau nấu chín và trong quả cam. Nhờ đó sắt được hấp thu dễ hơn, đồng thời tăng khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào. Cùng với đó là các loại vitamin A, K, axit folic có tác dụng lớn trong việc tối ưu hóa sức khỏe của thận.
Khi nước tiểu cô đặc, cặn khoáng có thể tạo thành và gây đau đớn cho người bệnh. Đó chính là sỏi thận, các khoáng chất tích tụ bên trong thận. Rau mùi tây với hàm lượng cao chất chống oxy hóa, axit folic, và các loại vitamin giúp ngăn ngừa sự tích tụ của canxi oxalat.
Hay nói cách khác, với các thành phần có trong rau mùi tây, sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả sự hình thành của sỏi thận. Hàm lượng natri thấp, rau mùi tây còn giúp ổn định huyết áp. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi huyết áp cao có thể là nguyên nhân khiến các mạch máu trong thận bị làm cứng và hỏng, dẫn đến sự tạo thành sỏi thận.
Trong trường hợp sỏi thận đã hình thành, nguy cơ về sự di chuyển của viên sỏi gây viêm và đau đớn cho người bệnh là không nhỏ. Lúc này hoạt chất chống viêm apigenin trong mùi tây kết hợp cùng vitamin C và những chất chống oxy hóa sẽ giúp người bệnh chống viêm hoặc nhiễm trùng do sỏi tạo ra.
Trong thành phần của rau mùi tây có chứa aspiol và myristicin khiến mùi tây có tác dụng lợi tiểu. Hạt mùi tây có khả năng loại bỏ độc tố, natri dư thừa và nước tích tụ trong cơ thể. Nhờ thúc đẩy sự gia tăng bài tiết nước tiểu, rau mùi tây giúp làm giảm lớp lắng đọng và lọc thận, làm sạch thận, giúp cải thiện chức năng thận.
Bệnh sỏi thận nên sử dụng rau mùi tây như thế nào?
Vượt ra khỏi khuôn khổ nhà bếp, rau mùi tây khẳng định dược tính quý giá và mang đến những hiệu quả tuyệt vời trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh sỏi thận. Dưới đây là một số cách thức “chế biến” để loại thảo mộc này phát huy công dụng của mình:
* Trà mùi tây:
– Công dụng: Giúp hỗ trợ làm tan sỏi thận.
– Cách làm: Rửa sạch 2 nhánh lá rau mùi tây, cắt nhỏ và ngâm nước sôi trong khoảng 15 đến 20 phút.
– Cách sử dụng: Uống khi ấm hoặc nguội, có thể thêm chút xíu mật ong hoặc nước chanh để trà thêm hương vị hấp dẫn. Nên sử dụng thường xuyên nhưng không quá 2 ly mỗi ngày.
* Hỗn hợp rau mùi tây, dấm táo và dầu ô liu:
– Công dụng: Hỗ trợ đào thải sỏi thận nhờ hoạt động như chất bôi trơn của dầu ô liu, đồng thời ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận nhờ tác dụng kích thích sản xuất axit clohydric của dấm táo.
– Cách làm: Cho 4 nhánh rau mùi tây đã rửa sạch, 1 chén nước, 1 thìa dấm táo và vài giọt dầu ô liu vào máy xay sinh tố rồi xay nhuyễn.
– Cách sử dụng: Nên sử dụng thường xuyên, có thể pha loãng hỗn hợp bằng cách thêm nước để dễ uống hơn.Ngoài những cách thức trên, có thể sử dụng hiệu quả loại thảo mộc này bằng việc bổ sung vào món ăn, vừa thêm khẩu vị lại vừa chữa bệnh, tăng cường sức khỏe một cách đơn giản. Dễ chế biến và nhiều công dụng, song việc sử dụng rau mùi tây như một vị thuốc cũng cần hết sức chú ý về liều lượng, thời gian sử dụng, những trường hợp nhạy cảm với thành phần của mùi tây hoặc trường hợp đang sử dụng thuốc khác… Để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng thảo mộc rau mùi tây, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có liệu trình sử dụng phù hợp.