Theo Đông y, thận chủ gốc tiên thiên, công năng sinh lý là chủ tàng tinh, chủ thủy (nước). Dưới đây là một số bài thuốc trị suy giảm chức năng thận theo từng loại.
Trong thận có chứa nguyên âm và nguyên dương, chỉ nên giữ gìn không nên hao tiết. Bệnh của thận theo Đông y chủ yếu là hư (thiếu hụt), được chia làm 3 loại: Thận âm hư, thận dương hư, và thận âm dương lưỡng hư.
Hoặc bệnh tật có nguyên nhân do thận đều thuộc hư chứng, chẳng hạn như bệnh tăng huyết áp có nguyên nhân do thận âm hư, hay bệnh vô sinh có nguyên nhân do thận dương hư hoặc âm dương lưỡng hư.
Như vậy, suy giảm chức năng thận bao gồm cả bệnh về sinh dục, tiết niệu, thần kinh, và hệ thống nội tiết.
Thận âm hư
Khi thận âm có vấn đề thì triệu chứng thường gặp là: Đầu váng, tai ù, tai điếc, răng lợi lung lay, mất ngủ, miêng khô, ngũ tâm (lòng bàn tay, bàn chân và vùng ngưc) phiền nhiệt, mồ hôi trộm, gò má đỏ, lưng gối mỏi đau, đại tiện táo, tiểu vàng, lưỡi đỏ, lưỡi có rêu trắng hoặc vàng nhạt, mạch tế sác (nhỏ, yếu, nhanh). Thận âm hư còn có thể là nguyên nhân dẫn đến thần kinh suy nhược, đái tháo đường, tăng huyết áp ,….
Phép chữa: Tư dưỡng thận âmvới bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn, bao gồm: Thục địa (32 gram), hoài sơn (16gram), sơn thù (16gram), bạch linh (12 gram), đan bì (12gram), trạch tả (12gram). Sắc uống.
Nếu thận âm hư hỏa vượng (bốc hỏa) thì bài thuốc trên thay thục địa bằng sinh địa, gia thêm tri mẫu, hoàng bá, mỗi loại 12 gram.
Thận dương hư
Thận dương hư sẽ biểu hiện ở các triệu chứng: sắc mặt ảm đạm, tóc rụng, sợ lạnh, chân tay lạnh, hụt hơi, tinh thần mệt mỏi, ù tai, tai điếc, răng lung lay, lưng gối yếu, đau dương nuy (yếu sinh lý), tiểu trong dài hoặc tiểu đêm, lưỡi trắng rêu mỏng, sắc nhợt, mạch trầm trì vô lực (yếu trầm).
Phép chữa: Ôn bổ thận dương với bài thuốc Bát vị quế phụ, vị thuốc gồm: Thục địa (32 gram), hoài sơn (16 gram), sơn thù (16gram), bạch linh (12 gram), trạch tả (12 gram), đan bì (12 gram), nhục quế (4 gram), phụ tử (4 gram). Sắc uống.
Nếu thận dương hư, mệnh môn hỏa suy dẫn đến đau bụng, đi ngoài lỏng vào sáng sớm thì dùng bài Tứ thần hoàn với các vị thuốc: Phá cố chỉ (16 gram), nhục đậu khấu (8 gram), ngũ vị tử (8 gram), ngô thù (4 gram).
Thận âm dương lưỡng hư
Triệu chứng khi thận âm dương lưỡng hư: Sắc mặt ảm đạm, tóc dễ rụng, răng lung lay, miệng khô, tâm phiền (trong ngực buồn bưc khó chịu), mồ hôi trộm, sợ lạnh, chân tây lạnh, di tinh, đái dầm, lưỡi trắng nhợt hoặc có rãnh nứt, rêu mỏng, mạch trầm tế hoặc nhược (chìm nhỏ hoặc yếu).
Phép chữa: Bổ thận âm thận dương. Bài thuốc như sau: 18 gram thục địa, 12gram hoài sơn, 12 gram kỷ tử, 12 gram đỗ trọng, 12 gram sơn thù, 12 gram thỏ ty tử, 12gram tang thầm, 12 gram bạch linh, 4gram cam thảo. Nếu nghiêng về dương hư nhiều, có thể gia 12 gram ba kích và 6 gram nhục quế. Sắc uống.
Lưu ý khi dùng thuốc
Liều lượng nêu trên của cả ba loại thận hư là cho một thang thuốc, cách sử dụng cụ thể như sau:
Mỗi thang thuốc dùng trong một ngày, sắc 3 lần:
Lần 1: Lấy 4 bát nước (bát ăn cơm) đổ vào ấm sắc thuốc, đun sôi cạn còn 1 bát.
Lần 2 và 3: Lấy 3 bát nước (bát ăn cơm) đổ vào ấm sắc thuốc, đun sôi cạn còn lại 1 bát.
Ngày uống 3 bát thuốc, mỗi lần uống sau bữa ăn 1 tiếng đồng hồ. Trong thời gian dùng thuốc tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia.Bên cạnh sử dụng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, người bị suy giảm chức năng thận cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho thận như bắp cải, bí ngô, ớt chuông, tỏi, súp lơ… tránh hoặc hạn chế tối đa tiêu thụ chất cồn, thức uống có gas, hạn chế thực phẩm nhiều đường.
Ngoài ra, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên cũng góp phần không nhỏ vào việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh giảm chức năng thận.