Hạt cau còn có tên tân lang, binh lang; tên khoa học Semen Arecae, là hạt chín già của cây cau (Areca catechu L.), thuộc họ dừa (Palmeae).
Về thành phần hoạt chất, hạt cau có các alkloid (arecolin, arecaidin, guracin, homoarecolin, arecaine, arecolidin), tannoid, tinh dầu, lipid, carbohydrat. Tác dụng ức chế trung khu phó giao cảm, làm tăng tiết nước bọt và sát trùng.
Theo Đông y, hạt cau vị cay, đắng, tính ôn; vào kinh tỳ, vị và đại tràng. Tác dụng trị giun, lợi tiểu thông tiện. Hạt cau có công năng chủ yếu là hạ khí, phá tích, sát trùng, hành thủy. Trị giun sán, đầy trướng bụng không tiêu, đau quặn bụng, tiêu chảy, hội chứng lỵ, phù nề. Liều dùng: ngày dùng 4-12g; bằng cách nấu, hãm, sắc. Có thể dùng liều cao từ 60-120g khi tẩy giun sán.
Hạt cau được dùng làm thuốc
Trị giun, tiêu tích: trị sán, giun kim, giun đũa, đau bụng; trị sán là tốt nhất.
Bài 1: hạt cau 60g, hạt bí ngô 60g. Hạt bí ngô nghiền thành bột, sắc nước hạt cau pha uống. Trị sán.
Bài 2: hạt cau 20g, vỏ lựu 12g, hạt bí ngô 12g. Sắc nước, uống lúc đói. Trị giun kim.
Binh lang (hạt cau khô) hỗ trợ trị đầy trướng bụng, khó tiêu, đau quặn bụng, giun sán, tiêu chảy…
Lợi niệu, tiêu sưng:
Bài bột kê minh: hạt cau 16g, mộc qua 12g, ngô thù 4g, tía tô 4g, trần bì 6g, cát cánh 8g, gừng sống 8g. Sắc uống. Trị hàn thấp cước khí thời kỳ đầu, chân đùi sưng đau, hoặc tức ngực buồn nôn.
Hạ khí, thông tiện:
Bài 1- Hoàn mộc hương cau: hạt cau 12g, mộc hương 4g, chỉ xác 8g, hoàng bá 12g, ngô thù 4g, tam lăng 8g, nga truật 8g, thanh bì 8g, trần bì 12g, đại hoàng 8g, hương phụ 12g, khiên ngưu 12g, mang tiêu 12g. Mang tiêu để riêng; sắc các vị thuốc còn lại, sau đó hòa mang tiêu vào uống. Trị đau bụng, táo bón, lỵ, viêm ruột thời kỳ đầu.
Bài 2: binh lang, chỉ thực, ô dược, mộc hương, liều lượng bằng nhau. Tất cả tán bột mịn làm hoàn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-10g, chiêu bằng nước đun sôi. Trị khí trệ, đau bụng, đại tiện khó.
Trị sốt rét:
Bài 1: thường sơn 12g, binh lang 8g, thảo quả 8g, tri mẫu 8g, ô mai 8g, xuyên sơn giáp 8g, chích thảo 6g. Sắc uống trước khi lên cơn sốt 2-3 giờ. Công dụng khu đàm tiệt ngược. Trị sốt rét lâu ngày không khỏi, sốt khá cao, miệng khát lưỡi khô.
Bài 2: hạt cau 3g, thường sơn 6g, thảo quả 2g, cát căn 5g. Sắc uống.
Món ăn thuốc có hạt cau
Binh lang trần bì tán: binh lang 12g, trần bì 6g. Hai vị tán mịn, trộn với mật ong liều lượng thích hợp, ăn khi đói. Dùng cho người bị ợ hơi, ợ chua.
Binh lang ẩm: binh lang 10g, lai phục tử 10g, trần bì 5g. Binh lang đập vụn, lai phục tử sao qua, trần bì rửa sạch thái lát. 3 vị nấu sắc lấy nước, thêm đường khuấy đều để nguội, uống vài lần trong ngày. Dùng tốt cho người ăn uống không tiêu, đầy bụng chán ăn, đầy hơi ợ hơi, hôi miệng.
Cháo binh lang: hạt cau 15g, gạo tẻ 50g. Hạt cau nấu lấy nước, đem nước sắc nấu với gạo thành cháo, ăn nóng. Dùng tốt cho người ăn uống không tiêu, trướng bụng, nôn thổ, táo bón xen với tiêu chảy.
Cháo binh lang hạt bí: binh lang 9g, sơn tra 10g, cốc nha 10g, hạt bí ngô 20g, gạo tẻ 60g. Dược liệu sắc lấy nước; cho gạo vào nước sắc nấu cháo. Ngày nấu 1 lần, chia 2 lần ăn. Đợt dùng 3-5 ngày. Trị cam tích có thoái hóa giác mạc dẫn đến mù lòa ở trẻ nhỏ, thường kết hợp trị giun sán đường tiêu hóa.
Cháo binh lang ngũ vị: binh lang 20g, ngũ vị tử 9g, trạch tả 12g, quyết minh tử 14g, kỷ tử 10g, gạo tẻ 60g. Dược liệu sắc lấy nước, đem nước sắc nấu với câu kỷ tử và gạo tẻ thành cháo. Dùng tốt cho bệnh nhân tăng nhãn áp có các biểu hiện giãn đồng tử, đau đầu, buồn nôn… (thiên đầu thống).
Kiêng kỵ: Người tỳ hư hạ hãm (thoát vị, sổ bụng, sa dạ dày…) cần thận trọng.
TS. Nguyễn Đức Quang