Ðau thần kinh tọa là bệnh có đặc tính đau lan theo đường đi của dây thần kinh hông. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như nhiễm lạnh, thoái hóa cột sống… Vậy ứng phó thế nào?
Theo Đông y, đau thần kinh tọa thuộc các chứng: Yêu cước thống, yêu thoái thống, tọa cốt thống. Khả năng điều trị của các phương pháp y học cổ truyền tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng đau này. Nếu nguyên nhân do cơ năng thì phục hồi tốt còn với nguyên nhân thực thể như thoát vị đĩa đệm, lao cột sống thì cần được khám và điều trị chuyên khoa.
1. Bài thuốc trị đau thần kinh tọa do lạnh
Biểu hiện: Sau khi bị nhiễm lạnh, người bệnh bị đau từ thắt lưng hoặc từ mông lan xuống chân, đau tăng khi trời lạnh, chườm nóng thì dễ chịu, toàn thân sợ lạnh.
Có thể 1 trong 2 dùng bài thuốc sau:
Bài 1: Rễ lá lốt 12g, cẩu tích 16g, chỉ xác 8g, ngưu tất 12g, thiên niên kiện 12g, quế chi 8g, trần bì 8g, xuyên khung 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Can khương 4g, tế tân 4g, thương truật 10g, bạch chỉ 10g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, phụ tử chế 3g, xuyên khung 8g. Sắc uống ngày một thang, uống ấm sau ăn từ một đến hai giờ.
2. Bài thuốc trị đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống
Biểu hiện: Đau từ thắt lưng lan xuống chân, đi lại khó khăn, đau tăng khi trời lạnh và ẩm thấp, chân tay lạnh và ẩm, toàn thân sợ lạnh, nặng nề, chân có cảm giác tê bì hoặc kiến bò, thích uống ấm, ăn ấm.
Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1: Độc hoạt 12g, bạch thược 12g, phòng phong 8g, xuyên khung 8g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g, tần giao 8g, thục địa 8g, tế tân 4g, đỗ trọng 12g, đương quy 12g, đẳng sâm, cam thảo 4g, phục linh 12g, quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Khương hoạt 8g, ý dĩ 16g, độc hoạt 8g, đương quy 12g, phòng phong 8g, cam thảo 6g, đỗ trọng 12g, thổ phục linh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang.
3. Phòng ngừa đau thần kinh toạ
Để phòng bệnh đau thần kinh toạ, cần duy trì tập thể dục kiên trì, đều đặn, phù hợp và giúp khí huyết lưu thông thuận lợi cho việc nuôi dưỡng các cơ quan và các khớp xương. Có thể áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khoẻ mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống.
Tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất.
Điều trị kịp thời các bệnh thoái hoá cột sống.
Người bị đau thắt lưng tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như đánh golf, bóng chuyền, tennis, vác balô nặng.
Không nên nằm đệm quá dày và mềm, giường lò xo.
Trong lao động, cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống, bệnh nhân có thể đeo đai lưng khi mang vác vật nặng; hãy để cho trọng lượng của vật chia đều cả hai bên cơ thể, không bao giờ mang vật nặng ở một bên người hay trong thời gian dài. Khi muốn nhấc một vật nặng lên, nên co đùi gấp đôi chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng. Không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc.
Cuối cùng, người bị đau thần kinh toạ khi được chẩn đoán sớm cần điều trị tích cực theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa xương khớp.
( Theo BS Lê Thị Hương Suckhoedoisong.vn )